Nguồn gốc và ý nghĩa Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam (21/4)
Từ lâu, sách được ví như kho tàng tri thức vô giá của nhân loại, là người thầy thầm lặng giúp con người tiếp thu kiến thức, rèn luyện nhân cách và mở ra con đường dẫn đến thành công. Trong đời sống tinh thần, đọc sách chính là chìa khóa vạn năng để chúng ta khám phá thế giới, lĩnh hội tinh hoa văn hóa và nâng cao trí tuệ. Không chỉ đơn thuần là một hoạt động giải trí, đọc sách còn góp phần hình thành thói quen học hỏi suốt đời và thúc đẩy sự phát triển của xã hội.
Nhận thức được tầm quan trọng của sách, ngày 24/2/2014, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định lấy ngày 21/4 hằng năm làm "Ngày Sách Việt Nam" nhằm tôn vinh giá trị của sách và lan tỏa văn hóa đọc. Đến ngày 4/11/2021, Thủ tướng Chính phủ quyết định tổ chức "Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam" vào ngày 21/4 trên phạm vi toàn quốc; khẳng định vai trò của sách trong việc xây dựng xã hội học tập và phát triển bền vững.
Việc lựa chọn ngày 21/4 không phải là ngẫu nhiên mà mang ý nghĩa lịch sử sâu sắc. Đây là thời điểm tác phẩm "Đường Kách Mệnh" của Chủ tịch Hồ Chí Minh được xuất bản – một tác phẩm kinh điển có giá trị to lớn về tư tưởng và đường lối cách mạng. Đồng thời, đây cũng là quyển sách đầu tiên do những thợ in người Việt Nam thực hiện, đánh dấu bước tiến quan trọng của ngành xuất bản nước nhà.
Không chỉ ở Việt Nam, trên thế giới ngày 23/4 hằng năm được UNESCO chính thức công nhận là "Ngày Sách và Bản quyền Thế giới" (World Book and Copyright Day) từ năm 1995. Sự kiện này được tổ chức nhằm đề cao văn hóa đọc, thúc đẩy ngành xuất bản và bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ trong lĩnh vực sách. Đây cũng là dịp để tri ân các tác giả, nhà xuất bản và những người làm công tác thư viện – những người đã góp phần lan tỏa tri thức đến cộng đồng. Qua đó, khơi dậy niềm đam mê đọc sách và tinh thần học hỏi suốt đời trong xã hội.
Hằng năm, vào dịp này nhiều hoạt động ý nghĩa được tổ chức trên khắp cả nước nhằm khơi dậy niềm yêu thích sách và lan tỏa văn hóa đọc đến mọi tầng lớp nhân dân, đặc biệt là giới trẻ. Một số hoạt động tiêu biểu như triển lãm, trưng bày sách; giao lưu với tác giả; tổ chức cuộc thi tìm hiểu về sách; phát động phong trào đọc sách trong cộng đồng... Những hoạt động này không chỉ tăng tình yêu với sách mà còn góp phần nâng cao dân trí, phát triển tư duy và kỹ năng đọc hiểu của người dân.
Bên cạnh đó, trong thời đại công nghệ phát triển mạnh mẽ văn hóa đọc cũng không ngừng đổi mới để phù hợp với xu thế hiện đại. Giờ đây, đọc giả dễ dàng tiếp cận nguồn tài liệu phong phú qua các nền tảng sách điện tử, sách nói (audiobook) và thư viện số. Bộ Thông tin và Truyền thông đã triển khai nhiều hệ thống như Book365.vn – sàn sách trực tuyến kết nối độc giả với các đơn vị xuất bản uy tín, hay sachdientu.vn, ebook.gov.vn – cung cấp miễn phí nhiều đầu sách phục vụ học tập và nghiên cứu.
Sách là người bạn đồng hành trên con đường phát triển bản thân. Văn hóa đọc chính là thước đo trình độ tri thức của một dân tộc. Vì vậy, mỗi người hãy duy trì thói quen đọc sách mỗi ngày, trân trọng giá trị của sách và lan tỏa tình yêu, niềm đam mê đọc sách đến cộng đồng. Hãy cùng nhau xây dựng một xã hội văn minh, giàu bản sắc và không ngừng tiến bộ bằng chính những trang sách.